Thợ mộc mày mò tự bảo vệ mình

 – Cả nước hiện có hàng trăm làng nghề mộc. Tai nạn lao động trong nhóm làng nghề này khá nhiều. Hiện các thợ làng đang tự mày mò tìm cách bảo vệ mình.

Những tai nạn kinh hoàng

Nhắc tới ca cấp cứu cách đây 2 tháng cho một bệnh nhân làm nghề mộc, các bác sĩ khoa Ngoại nhi – Cấp cứu bụng, Bệnh viện Trung ương Huế còn rùng mình. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn M, 36 tuổi. Khi anh đang dùng cưa máy để xẻ gỗ thì thanh gỗ bay xuyên qua người từ trước ra sau. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu với tình trạng choáng nặng do đau và mất máu. Các bác sĩ đã phải tổ chức cả một kíp phẫu thuật mà lần đầu tiên, bên cạnh dao mổ, họ phải dùng cả… cưa để loại bỏ bớt phần gỗ đâm xuyên qua người nạn nhân.

VIVITAR DIGITAL CAMERA

Thợ làng nghề mộc dễ gặp tai nạn bởi máy móc thô sơ.

Tại làng nghề mộc Cúc Bồ (xã Kiến Quốc, Ninh Giang, Hải Dương), thực hiện sản phẩm nào, thợ cũng phải sử dụng các loại máy móc cưa, xẻ, cắt mộng, soi, tua… Anh Thắng, một thợ làm thuê trong làng cho biết: “Chúng tôi phải mang, vác, cưa, bào những súc gỗ đường kính bằng cả sải tay. Chỉ cần vô ý gỗ rơi vào chân, dăm gỗ bay vào mắt là nằm nhà cả nửa tháng”.

Tại làng nghề mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cũng có nhiều tai nạn, trong đó có các tai nạn liên quan tới vận chuyển gỗ. Anh Hùng làm thuê tại làng nghề này kể, vừa qua, anh cùng nhóm bạn lên xếp ở kho thì một người trong nhóm bị khối gỗ nặng cả tạ rơi trúng tay, làm đứt lìa từ khuỷu”. Tại Đồng Kỵ, những tai nạn gãy tay, chân, bị cưa xẻ “va” vào người là chuyện thường ngày.

Tự bảo nhau tránh tai nạn

Tai nạn trong làng nghề mộc rất nhiều, nhưng tới thời điểm này chưa có bất cứ thống kê, cũng như chia sẻ, tập huấn cho thợ làng phòng tránh tai nạn. Vì thế, các thợ làng thường tự bảo ban nhau để tránh gặp tai nạn. Anh Trần Phong – một thợ làm thuê ở làng gỗ Đồng Kỵ cho biết: “Chúng tôi chuyên bốc vác gỗ, số lượng gỗ rất lớn, khối gỗ to nên cần phải làm theo nhóm, đội. Thực tế cánh cửu vạn ở đây đều lập đội để cùng mang, vác những khối gỗ to, đúng nhịp, đúng hướng. Làm mãi với nhau sẽ phối hợp nhịp nhàng, hiểu ý nhau nên cũng đỡ tai nạn”.

Theo đánh giá của Cục An toàn lao động, phần lớn máy móc trong làng nghề mộc thủ công không có tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn, vận hành an toàn… Do vậy, nguy cơ máy móc gây ra các vụ tai nạn lao động là rất lớn.

Tại làng nghề mộc xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) hiện có gần 7.000 lao động đang làm việc tại 30 doanh nghiệp và hơn 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Cách thức để hạn chế tai nạn ở làng nghề là đào tạo bài bản cho lao động. Ông Nguyễn Hữu Diện – một nghệ nhân cho biết, 100% số gia đình ở Vạn Điểm có con em được đào tạo bài bản nghề gỗ. Trong chương trình đào tạo có cả nội dung về an toàn lao động, nên các thợ làng đều có những kiến thức sơ đẳng phòng tai nạn, cải tiến thiết bị để đảm bảo an toàn khi vận hành.

Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm – ông Nguyễn Văn Khải cho biết thêm: Để hỗ trợ người làm nghề khi gặp tai nạn được chủ động thanh toán các khoản chi phí y tế liên quan, UBND xã đã có đề xuất với các doanh nghiệp mua bảo hiểm thân thể cho người lao động với mức 90.000 đồng/người/tháng. Đề nghị này bước đầu được các doanh nghiệp hưởng ứng, hiện đã có hơn 600 lao động tham gia loại hình bảo hiểm này.